(Cophieumanh) – Quản lý danh mục đầu tư trong thời kỳ thị trường suy giảm như thế nào? Và làm thế nào để hạn chế thiệt hại trong trường hợp thị trường xảy ra hiện tượng bán tháo?
Có thể nói trong quá trình đầu tư chứng khoán, không phải ai cũng có khả năng “vào đáy ra đỉnh” của thị trường.
Sẽ có những lúc bạn rơi vào đoạn thị trường có xu hướng giảm điểm.
Trong thời kỳ này việc quản lý danh mục đầu tư sẽ đòi hỏi bạn cần có sự mạnh mẽ và quyết đoán hơn, bởi sẽ có nhiều khoản lỗ, có nhiều cổ phiếu yếu khiến bạn phải mạnh dạn cắt lỗ và thoát khỏi trạng thái yếu.
Và hãy nhớ một điều :
” ĐỪNG ĐỂ QUYỀN BÁN CỔ PHIẾU RƠI VÀO TAY THỊ TRƯỜNG”
Hiện tượng bán tháo cổ phiếu
Báo tháo là việc các cổ phiếu bị bán mạnh trên toàn thị trường, nhiều cổ phiếu có thể bị dư bán sàn, chỉ số chung giảm điểm mạnh.
Hiện tượng bán tháo thường không tự nhiên xảy ra.
Đó là sự tích lũy đến cao độ của sự bi quan, sợ hãi hoảng loạn trong quá trình thị trường giảm điểm.
Điều đáng chú ý ở đây là việc bán tháo thường đi kèm với hiện tượng bị giải chấp (bán để đảm bảo tỉ lệ ký quỹ khi nhà đầu tư dùng margin).
Đối với các tài khoản bị giải chấp, các chứng khoán hiện có trong tài khoản sẽ bị bán ra bằng mọi giá, nếu không bán được cổ phiếu này sẽ bán sang cổ phiếu khác nên ảnh hưởng của việc giải chấp có thể lan tỏa ra cả thị trường.
>> Xem thêm: Cổ phiếu là gì ? 11 loại cổ phiếu cần biết nếu muốn trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp
Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, khi xảy ra hiện tượng bị bán tháo chắc chắn sẽ khó tránh khỏi thiệt hại, kể cả những cổ phiếu đang có trạng thái mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng.
Vậy cần làm gì và làm thế nào để hạn chế thiệt hại trong trường hợp thị trường xảy ra hiện tượng bán tháo.
Cổ phiếu Mạnh xin chia sẻ một vài kinh nghiệm sau:
1. Hãy từ bỏ ngay suy nghĩ về việc bắt đáy
Mặc dù tâm lý lúc đó của đa số nhà đầu tư là sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy giá cổ phiếu mình nắm giữ giảm mạnh và tài sản của mình đang bị bốc hơi, nhưng khi thấy giá cổ phiếu giảm sâu, giảm sàn lòng tham cũng trỗi dậy không kém.
Ý nghĩ về việc bắt đáy sẽ xuất hiện bởi bình thường các cổ phiếu giao dịch chỉ tăng giảm trong biên độ hẹp, 1 lý do nữa là khi đã có sẵn cổ phiếu có thể sẽ bán lại ngay nếu chênh giá.
Điều này nhiều người nghĩ rằng đây là một cơ hội có hời.
Nhưng hãy từ bỏ ngay suy nghĩ về việc bắt đáy.
Việc bắt đáy đối với những người đang nắm giữ cổ phiếu trong thị trường xấu là một hành động có thể khiến tình trạng tài khoản trở nên nghiêm trọng hơn.
Bởi những cổ phiếu giảm mạnh nhất cũng đồng thời thể hiện sức mạnh yếu nhất và hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục giảm.
Việc mua thêm vào cổ phiếu yếu thường sẽ khiến tài khoản lỗ nặng hơn và đến một lúc nào đó có thể sẽ bị mất kiểm soát (do lỗ quá nhiều hoặc rơi vào diện bị giải chấp).
Hãy nhớ “đừng để quyền bán cổ phiếu rơi vào tay thị trường”, đừng để bị call margin, bị giải chấp hay “cháy tài khoản”.
Còn tiền là còn cơ hội để làm lại.
2. Nắm giữ cổ phiếu mạnh và sớm thoát khỏi cổ phiếu yếu
Quản lý danh mục đầu tư theo Hệ thống đầu tư Cổ phiếu Mạnh luôn nhấn mạnh việc nắm giữ cổ phiếu mạnh.
Tuy nhiên trong giai đoạn thị trường suy giảm và có thời điểm rơi vào trạng thái bị bán tháo, việc nắm giữ cổ phiếu mạnh sẽ trở nên khó khăn hơn do tác động về mặt tâm lý.
Có một nghịch lý đang diễn ra.
Nhà đầu tư thường có xu hướng bán cổ phiếu mạnh nhưng lại nắm giữ cổ phiếu yếu hay không muốn bán những cổ phiếu đang giảm mạnh đang làm lỗ cho tài khoản.
Nguyên nhân chủ yếu là do nỗi sợ mất tiền.
Nỗi sợ này khiến cổ phiếu đang mạnh dễ dàng bị bán để “giữ lãi” trong khi những cổ phiếu lỗ sợ phải bán rẻ, sợ rằng bán xong thì đúng đáy hoặc cho rằng giá cổ phiếu đang “quá rẻ”.
Đây là những rủi ro nội sinh có thể khắc phục được khi sử dụng Hệ thống đầu tư Cổ phiếu Mạnh.
3. Hướng quản lý danh mục đầu tư trong thời kỳ TTCK suy giảm
Không thể phủ nhận được những tác động tiêu cực của TTCK suy giảm đến xu hướng giá của các cổ phiếu.
Cũng giống như chiếc tàu đi ngược gió hay đi trong cơn bão, chỉ nên có 2 lựa chọn : (1) là neo vào bến đợi thời tiết thuận lợi, (2) chỉ ra khơi khi tàu có đủ sức để vượt bão, vượt gió.
Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán trong thời kỳ TTCK suy giảm theo hệ thống đầu tư Cổ phiếu Mạnh cũng vậy, chỉ có 2 hướng: (1) không tham gia thị trường; (2) chọn đúng cổ phiếu mạnh.
Thực tế đã cho thấy kể cả trong khi TTCK downtrend, vẫn có những cổ phiếu duy trì được sức mạnh của mình và vượt đỉnh, lên những mức cao nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên số lượng cổ phiếu này khá ít và với lực cản của thị trường chung việc duy trì sức mạnh sẽ khó khăn hơn.
Chúng ta không nhất thiết phải ôm lấy tất cả cơ hội, hãy lựa chọn thời điểm phù hợp nhất để tham gia.
Lời kết
Quản lý danh mục đầu tư trong thời kỳ TTCK suy giảm hoặc rơi vào trạng thái hoảng loạn, bán tháo theo Cổ phiếu Mạnh luôn cần 2 nhớ 1 quên.
1 Nhớ: Giữ Mạnh ra Yếu; 2 Nhớ: Thư giãn, nghỉ ngơi, chờ đợi ; 1 Quên: Bắt đáy
>> Tham khảo thêm: Nguyên tắc tam đoạn nếu không muốn bị lỗ khi lướt sóng chứng khoán